top of page
Writer's pictureLacey Nguyen

[Far from home stories #1] - Chuyện ở nhà sinh viên.

Updated: Aug 18, 2019

Năm 2012, mình đỗ đại học trên Hà Nội. Bố mẹ đóng cho một xe tải đồ đúng nghĩa đen lên thủ đô đi học. Hai năm ở đó mình chuyển hai cái nhà. Mùa hè năm 2014, lại vận chuyển một xe tải đồ nữa về lại Hải Phòng. Năm đó mình đi du học.


Mình chưa bao giờ được ở kí túc xá sinh viên như một vài bạn đồng trang lứa. Khoảng thời gian mang lại nhiều "kí túc xá vibe" nhất là khi học quân sự với bạn bè. Nhưng mới ở chung nửa tháng chỉ thấy vui chứ chưa có gì xích mích. :)) Đời sinh viên của mình bắt đầu khi mình sang Phần Lan.


Trong trí tưởng tượng của mình, khi đi du học sẽ ở với một hoặc hai bạn cùng phòng, trong phòng dorm của trường, như mấy phim học đường bên Mẽo. Giường tầng, bàn học riêng và phòng nhiều cây. Tuy nhiên, nhà sinh viên của Phần Lan lại khác hoàn toàn và có khi còn tuyệt vời hơn những gì mình từng nghĩ.


Học sinh, sinh viên bên này không ở theo trường mà được các công ty nhà trực thuộc chính phủ phân phối nhà ở cho. Mỗi khu vực sẽ có một công ty riêng, và ở địa phận thủ đô gọi là vùng Metropolitan (Uusimaa) thì nhà học sinh sẽ được quản lý bởi HOAS (Helsingin seudun opiskelija-asuntosäätiö) - Foundation for student housing in the Helsinki Region. Chúng mình gọi tắt là nhà HOAS, chứ tên dài thế, ai đọc được :))


Năm đó mình nộp đơn xin nhà từ lúc ở Việt Nam, nhờ người quen đặt cọc hộ tiền. Nhưng giờ mọi dịch vụ bên Phần đều được internet hóa. Chỉ cần lên website là tự làm mọi thứ nhanh gọn lẹ.


Trên website của Hoas giờ có đến 8 loại nhà khác nhau tùy theo các mục đích. Nhưng mình sẽ liệt kê qua các type mà sinh viên Việt Nam hay lựa chọn:


1. A ROOM IN A SHARED APARTMENT


Học sinh chân ướt chân ráo sang Phần sẽ xin nhà dạng này nhiều. Bạn sẽ được 1 căn phòng tầm 10-15m2, thường đã được trang bị tủ quần áo, máy sưởi, và cửa sổ. Bạn sẽ dùng chung nhà tắm và bếp cùng common room với từ 1 đến 3 người lạ khác. Cái này thì đúng như đánh bạc. Trúng lô tô thì tìm được người ở hợp, còn không thì, xin lỗi bạn đã quay vô ô mất lượt rồi :((


Giá nhà: 200-350e một người


2. FRIENDS/ROOMIE APARTMENT


Cái này là hai dạng khác nhau nhưng có tính chất na ná nên thôi mình gộp lại. Friends apartment là bạn nộp đơn xin nhà với một hoặc hai người bạn khác mà bạn đã biết từ trước. Như thế thì để đảm bảo không "quay vô ô mất lượt" như dạng 1. Mà ở với người cùng văn hóa, sở thích ở nơi lạnh lẽo âm u như đất Phần thì vẫn đỡ buồn hơn. Mỗi người sẽ được một căn phòng riêng như trên. Còn bếp, nhà vệ sinh và common room thì chia nhau mà ở.


Nhà Roomie apartment giống như nhà friends chỉ có một khác biệt duy nhất. Khi một thành viên trong nhà friends muốn chuyển ra, thì các thành viên còn lại sẽ cùng phải chuyển ra. Với roomie apartment, người chuyển ra sẽ giới thiệu một sinh viên khác, một applicant khác để thế chỗ, và các thành viên vẫn được tiếp tục ở căn nhà cũ không thay đổi.


Thời mình bắt đầu đi học thì chưa có roomie apartment, nên mình đã liên hệ với một bạn gái cùng trường mà mình quen biết để app nhà chung. Và giờ thì nàng ấy là người tình trăm năm của mình rồi. :))


Nên cá nhân mình nghĩ, dạng này là một kiểu lựa chọn thông minh nhất. Như thế có thể đảm bảo cho việc hòa nhập của các bạn ban đầu không bỡ ngỡ, và sẽ không gặp nhưng trường hợp quá ghê gớm như bạn cùng nhà đi vệ sinh không bao giờ biết dọn :))


Giá nhà: 200-350e một người



Ảnh bên trên được chụp tại căn nhà chung đầu tiên của mình và roommate



3. FAMILY APARTMENT


Dành cho các cặp đôi, gia đình có con nhỏ. Chỉ cần một thành viên trong gia đình là sinh viên thì đều được đăng kí.


Giá nhà: 450-700e một nhà


4. STUDIO APARTMENT


Xin chào các rich kid, hoặc nếu bạn không hẳn là rich lắm nhưng bạn không chịu nổi cảnh ở chung cùng ai đó thì đây là lựa chọn thích hợp. Giá nhà studio thì đắt hơn các nhà khác, bạn sẽ có một căn hộ tầm 23-30m2, một vùng trời cho tung hoành. Nếu may mắn, bạn sẽ có phòng ngủ riêng và phòng khách riêng. Còn studio nhiều khi sẽ không có phòng ngủ tách biệt.


Giá nhà: 500-570e một nhà


ĐẶC ĐIỂM CHUNG MÀ TẤT CẢ CÁC CĂN HỘ ĐỀU CÓ:


Hệ thống xây dựng nhà cửa của Phần Lan có tiêu chuẩn riêng biệt để chống lạnh. Vậy nên nhà của bạn và nhà của người Phần ngoài không khác mấy. Nó là mức sống bình thường bên này. Phòng nào cũng có cửa sổ, máy sưởi. Bếp đã được trang bị lò nướng, bếp, máy hút mùi và tủ lạnh. Cách xây dựng tuy xấu mã bên ngoài được cái bên trong sắp xếp rất thông minh, tận dụng mọi không gian. Vậy nên, "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" :))


Ngoài ra, mọi khu nhà sinh viên thường sẽ được đặt gần xe buýt hoặc trạm tàu, và gần 1 nhất một chợ nhỏ trong vòng bán kính 1km đổ lại. Tựa chung các khu nhà sẽ có:

  1. Khu đổ rác/ khu phân loại rác.

  2. Khu đỗ xe (do Lỗ nghèo nên chưa bào giờ biết mùi cái khu này :))

  3. nhà kho: đây là nơi các bạn để vali, giường thừa, quạt thừa, tủ kệ thừa, sách vở thừa, bàn ghế thừa mà các bạn không nỡ vứt lẫn cho. :)) Đùa thôi, mỗi nhà sẽ có 1 kho chia nhau cất đồ, nhưng học sinh chúng ta hành xử theo kiểu, đến trước được phần trước, và rất nhiều sinh viên chuyển ra không dọn kho, nên đừng ngóng chờ được vô cái kho.

  4. Khu để xe đạp và xe nôi.

  5. Nhà giặt: nơi gây mất tình anh em là ở đây. Chuyện giặt giũ mình chắc nói sau, nhưng nhìn chung, Hoas đều cung cấp dịch vụ giặt sấy free cho sinh viên.

  6. Phòng common room: Mỗi khu nhà sẽ có một kiểu common room, không có chỗ nào giống y hệt chỗ nào. Mình biết, có chỗ có đàn và trống, chỗ có nhiều board games, chỗ có bida, chỗ có thật nhiều truyện tranh, có nơi lại đầy sữa chua và đồ ăn vặt. Phòng này bạn có thể đặt để tổ chức tiệc tùng, gắn kết thêm tình đồng chí.

  7. Khu sauna: quốc hồn quốc túy của Phần Lan là đây. Nhập gia tùy tục. Bạn sẽ được dùng sauna mà không mất tiền.

  8. Khu vui chơi của trẻ em: thường các building của Phần Lan sẽ có một khu cát được quây lại, có xích đu, cầu trượt, bập bênh cho con nít ra chơi, đỡ quấy phá thầy u học hành. Nhưng cũng đâu ai cấm học sinh mình ra đấy chơi :)) Miễn đừng dọa mấy cháu nhỏ giành xích đu là được.

  9. Facebook group: Mỗi khu nhà sẽ có một group trên facebook để bạn lên chia sẻ, mua bán, trao đổi, than thở, chửi nhau với hàng xóm một cách văn minh trên đó. Hãy nhớ là vô group ngay khi được cho nhà.

  10. Điện, nước và internet: Hạnh phúc chưa khi mà bạn không phải đếm số điện hay số nước để trả tiền. Internet chạy vù vù xem stream đều đều. Giá nhà Hoas đã bao gồm điện, nước và net.


Mặt bằng chung thì bên Phần rất đề cao vấn đề tinh thần và sức khỏe của mọi người. Bạn sẽ không phải chen chúc, sống chật vật và vất vả. Mình nhớ ngày mới lên Hà Nội học, bố mẹ sắm bếp, sắm ga, sắm tủ lạnh, sắm kệ. Hỡi ôi là nhiều :(( Bên đây, các căn nhà đều được trang bị đầy đủ cơ bản. May mắn thì bạn sẽ nhận được nhà mới renovate, đẹp hơn, lung linh hơn. Hoặc giả như bạn sẽ nhận được nhà gần trạm tàu, sáng ngủ dậy cách giờ vô học 15' vẫn kịp đánh răng, chải đầu, ăn sáng, mới đến trường. :)) Vẫn tùy duyên tùy số.



Living room in Hoas apartment
Góc phòng khách của nhà mình


Mình đã hết thời sinh viên và mới phải dọn ra khỏi nhà Hoas. Mình biết cũng đã có nhiều bạn ổn định được chỗ ở cho kì nhập học năm nay. Nhưng thôi, viết vẫn hơn không đúng không?


Đối với mình việc ở nhà Hoas mang lại thật là nhiều kỉ niệm. Những đêm hát hò, những lần tụ tập ăn uống nấu nướng, những ngày nhớ nhà nằm ôm nhau, những dịp lễ tết. Nên mình nghĩ nhà sinh viên Phần là điểm mình thích nhất khi đi học ở đây, vừa cho mình một vùng trời tự do, lại vừa khiến cho mình học cách hòa hợp với nhiều người.



Lỗ trước cửa ngôi nhà đầu tiên. :))


Mình tin rằng hành trình của các bạn sẽ đều bắt đầu từ đây, có an cư thì mới lạc nghiệp. Sống ở một môi trường thoải mái lành mạnh mới học và làm được. Mình sẽ viết một bài chia sẻ về việc bắt đầu cuộc sống tại Phần như nào. Lâu lâu được viết, thấy ngón tay bớt bồn chồn hơn.


Thân,


Lỗ. :))



Ps. Dấu câu của bài này đã được chỉnh qua con mắt yêu thương của Koi Koi.


Mục lục:

1,135 views0 comments

Yorumlar


bottom of page